Đi tiểu nhiều khi mang thai là bình thường hay không? Đi tiểu nhiều là một trong những hiện tượng thường gặp của các thai phụ trong ba tháng đầu hoặc ba tháng cuối. Thực tế, có thể bạn sẽ gặp hiện tượng này ngay trước khi biết mình mang thai, vì thế đây cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết sớm của thai kỳ. Hiện tượng này thường sẽ gây cảm giác rất khó chịu do bạn cứ mắc tiểu liên tục, phải đi liên tục nhưng lại “đi” được rất ít. Một số phụ nữ mang thai còn có tình trạng són tiểu khi ho, cười, hắt hơi, tập thể dục hay làm việc nặng… Điều này cũng hoàn toàn bình thường và cực kì phổ biến.
-
1. Tại sao lại có hiện tượng đi tiểu nhiều khi mang thai?
Trong những tuần đầu tiên của thai kỳ, cơ thể bạn sản xuất ra một hormone gọi là Human Chorionic Gonadotropin (hCG) có vai trò điều chỉnh lưu lượng máu đến vùng xương chậu và thận. Do lúc mang thai, cơ thể bạn sẽ tích trữ rất nhiều nước và chất lỏng, thế nên khi thận tăng năng suất hoạt động để lọc các chất thải ra khỏi cơ thể thì sẽ khiến bạn có hiện tượng đi tiểu thường xuyên hơn.
Mặt khác, sự phát triển của tử cung cũng tạo nên sự chèn ép lên bàng quang, làm nó có ít chỗ để chứa nước tiểu hơn và gây ra cho bạn hiện tượng mắc tiểu. Áp lực này sẽ giảm xuống trong giai đoạn ba tháng giữa thai kỳ. Nhưng đặc biệt đến ba tháng cuối, khi tử cung hạ thấp xuống để chuẩn bị cho em bé ra đời thì nhu cầu đi tiểu của bạn sẽ lại càng tăng cao, bạn cần đi tiểu nhiều hơn vào ban đêm và có thể sẽ gặp tình trạng són tiểu nếu cơ xung quanh niệu đạo yếu.
Trong vài ngày đầu tiên sau khi sinh, thậm chí bạn sẽ đi tiểu thường xuyên hơn nữa do cơ thể bạn cố gắng loại bỏ lượng nước dư thừa của thai kì. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ tự động biến mất sau khoảng năm ngày, nhu cầu tiểu tiện của bạn cũng sẽ trở lại bình thường.
Một số thai phụ sẽ bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn trong tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ nhưng một số khác thì vẫn vậy. Do đó, nên cố gắng không để tình trạng đi tiểu nhiều khi mang thai ảnh hưởng đến bạn, vẫn có khả năng bạn sẽ cảm thấy khá hơn trong ba tháng giữa thai kỳ và không phải chạy vào nhà vệ sinh cả ngày nữa.
-
2. Đi tiểu nhiều khi mang thai phải làm sao?
Trong quá trình mang thai, lượng máu trong cơ thể tăng lên đến 50% so với trước khi có thai. Điều này dẫn đến rất nhiều chất lỏng dư thừa được xử lý thông qua thận và cuối cùng dẫn đến bàng quang. Ngoài ra, bạn cũng có thể cảm thấy các cơ của vùng chậu và thành tử cung giãn nở, điều đó kích thích bàng quang hoạt động nhiều hơn trước. Đặc biệt, bạn có thể cảm thấy muốn đi tiểu thường xuyên hơn vào ban đêm. Chẳng có cách nào giúp bạn hoàn toàn thoát khỏi hiện tượng tiểu dắt cả, nhưng bạn có thể khiến chúng trở nên dễ chịu hơn.
- Tránh xa thức uống chứa caffeine: Caffeine có tính lợi tiểu, sẽ làm bạn muốn đi tiểu nhiều hơn, do đó bạn nên tránh uống các loại như trà, cà phê, nước ngọt và những loại nước có chứa caffeine khác. Thay vào đó, cố gắng uống khoảng 2-3 lít nước mỗi ngày để cân bằng lượng nước đã thải ra. Bạn cũng có thể bổ sung bằng một số loại nước trái cây, ăn hoa quả mọng nước…Tuyệt đối không nên cắt giảm việc uống nước, nếu bạn không muốn gặp phải những tình trạng không mong muốn khác khi cơ thể thiếu nước.
- Tập Kegel: Những bài tập đơn giản sẽ làm tăng sức mạnh vùng cơ xung quanh niệu đạo, giúp bạn điều khiển tốt hơn và giảm tình trạng són tiểu. Đây cũng là một bước chuẩn bị tốt cho việc mang thai và sinh nở.
- Tránh uống nước trước khi ngủ: Để ban đêm được ngon giấc, bạn không nên uống quá nhiều nước trước khi ngủ và vào giấc chiều tối. Hãy tranh thủ uống nhiều nước hơn vào ban ngày để không làm mất đi các chất lỏng cần thiết cho cơ thể cũng như cho thai nhi.
- Làm sạch bàng quang: Muốn tránh việc són tiểu, bạn không nên để cho bàng quang quá đầy. Đừng cố nhịn tiểu mà thay vào đó, khi đi tiểu, bạn hãy ngồi ngả người về phía trước để giúp bàng quang thải hoàn toàn nước tiểu ra ngoài, điều này sẽ giúp hạn chế lại số lần phải vào toilet của bạn.
- Lót quần: Sử dụng các miếng băng lót hàng ngày giúp bạn chống đỡ được những lúc són tiểu do ho hay hắt hơi.
3. Nhịn tiểu có gây ra són tiểu hay không?
Nhiều phụ nữ được chẩn đoán són tiểu do căng thẳng khi mang thai. Họ có thể bị són tiểu khi ho, cười, hắt hơi, nâng vật nặng hoặc làm một số động tác tập thể dục như đi bộ nhanh. Tình trạng này thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ ba hoặc giai đoạn hậu sản. Bạn có thể hạn chế són tiểu phần nào bằng cách không nhịn tiểu để bàng quang không bị căng nước quá lâu.
Tập Kegel để tăng cường lực của các cơ bắp vùng chậu có thể giúp giảm thiểu việc không kiểm soát được đường tiểu của mình. Việc bắt đầu bài tập Kegel sớm trong thai kỳ và duy trì sau khi sinh là rất tốt cho phụ nữ và còn tốt hơn nữa nếu nó trở thành thói quen tập luyện suốt đời. Cuối cùng, đừng quên đi tiểu trước khi tập thể dục. Nếu vẫn còn lo ngại tình trạng són tiểu, bạn nên mang một miếng băng vệ sinh hàng ngày để đề phòng.
-
4. Khi nào tình trạng đi tiểu nhiều khi mang thai sẽ khá hơn?
Trong đa số trường hợp, tình trạng đi tiểu nhiều khi mang thai sẽ được khắc phục ngay sau khi em bé được sinh ra. Trong vài ngày đầu tiên sau sinh, bạn sẽ đi tiểu với số lượng lớn hơn và thậm chí thường xuyên hơn vì cơ thể đang thải trừ các chất lỏng còn lại từ quá trình mang thai. Nhưng chỉ sau chừng năm ngày, đường tiết niệu của bạn sẽ gần như trở lại như trước khi có thai.
Mẹ bầu cần lưu ý rằng, nếu uống không quá nhiều nước nhưng vẫn đi tiểu nhiều hoặc cảm thấy rất đau rát khi tiểu thì nên đi khám bác sỹ để sớm phát hiện nhiễm trùng đường tiết niệu nhằm bảo đảm sức khỏe tốt hơn cho người mẹ lẫn thai nhi. Tuy nhiên cũng có những trường hợp đi tiểu nhiều khi mang thai là hoàn toàn bình thường bởi do nội tiết tố trong cơ thể mẹ bầu thay đổi, máu chảy qua thận nhanh hơn làm bàng quang đầy hơn và tình trạng này cũng sẽ sớm giảm đi sau khi bé yêu chào đời nên các mẹ cũng đừng quá lo lắng. Chúc bạn có một thai kỳ thành công. saigon-ict.edu.vn – người bạn đồng hành đáng tin cậy của bà mẹ và trẻ em.