Yuan, sống tại Thâm Quyến, trả 60.000 nhân dân tệ (8.640 USD) mua máy đo thân nhiệt trên WeChat, nhưng chỉ nhận được một gói đồ ăn nhẹ và rác.
Sau khẩu trang, máy đo thân nhiệt hồng ngoại đã trở thành mỏ vàng cho tội phạm trực tuyến, lợi dụng tâm lý lo sợ về dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Các nạn nhân sống tại nhiều thành phố khác nhau đều bị lừa tiền theo cùng một kịch bản.
Máy đo thân nhiệt hồng ngoại được sử dụng rộng rãi trong thời kỳ dịch bệnh. Ảnh: SCMP. |
Tan, sống tại Nam Kinh, đã chuyển khoản 200.000 nhân dân tệ (28.000 USD) cho một nhà cung cấp máy đo thân nhiệt cũ trên sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, ông không bao giờ nhận được món hàng như đã hứa. Các vụ lừa đảo tương tự cũng xảy ra ở Tứ Xuyên, Hàng Châu, Tân Cương và tỉnh Hồ Bắc. Trường hợp nghiêm trọng nhất thiệt hại tới 3 triệu nhân dân tệ (430.600 USD).
Theo SCMP, người Trung Quốc đã hình thành thói quen mới, dù chính phủ đã dừng trạm kiểm dịch cách đây nhiều tuần. “Hiện nay, các nhà máy không dám làm việc nếu thiếu máy đo thân nhiệt”, một người dùng Weibo nói. “Hôm qua, nhiệt kế điện tử của tôi ở nhà cũng bị một người bạn mượn”.
“Tôi nghĩ rằng tôi đã bị ám ảnh bởi máy đo thân nhiệt”, một người khác chia sẻ. “Một nhân viên ở siêu thị còn chuẩn bị quét thân nhiệt của tôi bằng máy đọc mã vạch ngay khi tôi tiến gần anh ấy”.
Trung Quốc có sản lượng khẩu trang lớn nhất thế giới và đã tăng đáng kể từ tháng trước. Tuy nhiên, quốc gia này đang gặp khó khăn khi mở rộng nguồn cung máy đo thân nhiệt hồng ngoại. Theo ngân hàng đầu tư và môi giới Dongxing Sercurities, các nhà sản xuất máy đo thân nhiệt Trung Quốc phụ thuộc vào cảm biến hồng ngoại nhập khẩu. Giá loại cảm biến này hiện đã tăng gấp hàng trăm lần.
Kết quả của máy đo thân nhiệt hồng ngoại phụ thuộc vào khoảng cách đo. Ảnh: SCMP. |
Dù được sử dụng rộng rãi, nhiều người Trung Quốc đang tỏ ra hoài nghi về tính chính xác của các loại máy đo này. “Vài ngày trước, toàn bộ cơ thể tôi bị đau nhức. Tôi đã thử đo bằng nhiệt kế thủy ngân và phát hiện mình bị sốt”, một người dùng Weibo viết. “Trên đường đi đến bệnh viện, tất cả những nơi dùng máy đo đều báo thân nhiệt của tôi bình thường”.
“Trong thời gian xảy ra dịch bệnh này, tất cả máy đo thân nhiệt ở nơi công cộng đều cho biết nhiệt độ cơ thể tôi là 33-34 độ C”, một người khác cho biết. “Tôi thực sự cảm thấy lo lắng. Kết quả này cho thấy máy đo thân nhiệt không thể phát hiện ngay cả khi tôi bị sốt 40 độ C”.
Các chuyên gia cho rằng, máy đo thân nhiệt hồng ngoại không chính xác bằng nhiệt kế thủy ngân và nhiệt kế điện tử, nhưng chúng vẫn hữu ích trong một số tình huống. “Nhìn chung, kết quả của máy đo thân nhiệt đã được chứng minh là kém tin cậy hơn”, James Lawler, Phó Giáo sư y khoa tại Đại học Nebraska giải thích. “Nhưng nhiệt kế điện tử và thủy ngân mất rất nhiều thời gian để đo thân nhiệt, đồng thời có nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn”.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế Hong Kong cũng khuyến cáo máy đo thân nhiệt cầm tay chỉ nên sử dụng để sàng lọc bệnh nhân, thay vì mục đích chẩn đoán, do kết quả đo “kém chính xác”.
Tuy nhiên, nhiệt kế điện tử và nhiệt kế thủy ngân cũng có thể không phát hiện được người nhiễm Covid-19. Nghiên cứu ban đầu cho thấy một số bệnh nhân không có triệu chứng trong suốt thời gian ủ bệnh.