Các cách nuôi dạy con bướng bỉnh đều yêu cầu bố mẹ phải tìm hiểu nguyên nhân khiến bé con nhà mình không nghe lời là gì. Trẻ còn nhỏ, hệ thống thần kinh hoạt động đơn giản, các bé chưa thể tự kiểm soát tốt các cảm xúc tiêu cực, nên dễ có những biểu hiện như bướng bỉnh, không ngoan ngoãn, thậm chí “ăn vạ”, mè nheo. Việc xử lý những tình huống này không hẳn khó khăn, nhưng đòi hỏi bố mẹ phải có sự kiên nhẫn, cố gắng và hiểu tính tình con mình. Hôm nay, mời bố mẹ cùng saigon-ict.edu.vn khám phá các bí quyết nuôi dạy con bướng bỉnh dưới đây nhé.
1. Con bướng bỉnh – nguyên nhân từ đâu?
Để tìm cách nuôi dạy con bướng bỉnh hiệu quả, bố mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân khiến bé không nghe lời. Khi một đứa trẻ trở nên bướng bỉnh, hoặc nổi giận vì điều gì đó, hãy hiểu rằng đây cũng là “tín hiệu cầu cứu” từ con. Trẻ đang gặp một chuyện gì đó khó chịu, hoặc cảm thấy khó chịu trong cách cư xử của bố mẹ với mình. Bộ não của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển, chưa hoàn thiện. Thế nên, các con chưa có khả năng kiểm soát các cảm xúc tiêu cực của mình một cách ổn thỏa.
Giải thích theo Tâm lý học, sự tức giận và bướng bỉnh của trẻ xuất phát từ phản ứng “đối đầu, chấp nhận hay né tránh” của bé. Nghĩa là, đây là cơ chế phòng vệ của các con khi chống lại một mối đe dọa nào đó. Mối đe dọa này gây nên rất nhiều cảm xúc rối loạn, chẳng hạn như sợ tổn thương, sợ hãi, buồn bã,…Các cảm xúc này bị dồn nén, không được giải phóng ra ngoài. Chính điều này khiến bé chọn cách “đối đầu” để cố gắng che giấu những nỗi sợ của bản thân khi đứng trước một sự kiện, tình huống nào đó có ý nghĩa tiêu cực với bé.
2. Những cách nuôi dạy con bướng bỉnh hiệu quả
2.1 Dạy con cách kiềm chế cơn thịnh nộ của bản thân
Khi đã hiểu được con đang khó chịu vì điều gì, dẫn đến biểu hiện không nghe lời, thì đầu tiên, bố mẹ cần giúp con nói chuyện nhiều hơn. Hãy giúp bé hiểu rằng, bạn luôn ở bên cạnh con khi con cần giúp đỡ, kể cả về mặt tinh thần.
Hãy hỏi con về việc học ở trường, về mối quan hệ với những người bạn trong lớp và xung quanh khu vực sống, cũng như cách con cảm nhận về phong cách giáo dục của bố mẹ. Từ đó, giúp bé tìm giải pháp cụ thể, hoặc thảo luận, thương lượng để giải quyết những điều bé đang cảm thấy khó chịu.
2.2 Cách nuôi dạy con bướng bỉnh bằng cách học cảm thông với người khác
Sự cảm thông và khả năng thấu hiểu người khác giúp trẻ hạn chế được sự bùng nổ các cảm xúc tiêu cực khi nhu cầu bản thân không được người khác đáp ứng đầy đủ. Cách tốt nhất để trẻ hình thành những phản xạ thần kinh tích cực trong cư xử, là hãy thể hiện cho bé thấy sự đồng cảm của bố mẹ, kể cả khi con đang bướng bỉnh, không nghe lời, và cả những trường hợp khác nữa.
Nghĩa là, hãy nói với con “Bố/ Mẹ hiểu con đang rất bực mình chuyện gì đó. Con có thể nói cho bố/ mẹ biết chuyện đó là chuyện gì không?”. Hãy chấp nhận để con thể hiện cảm xúc của mình. Sau đó, cách trò chuyện nhẹ nhàng của bố mẹ sẽ cho con cảm giác gần gũi, an toàn hơn để tin tưởng chia sẻ những điều mình nghĩ. Nhờ đó, trẻ sẽ cảm thấy ít bị tổn thương về tinh thần hơn, đồng thời, học được cách chia sẻ sự cảm thông với người khác, như cách bố mẹ đã làm với mình. Các con sẽ không còn cứng ngắc và đòi hỏi nữa, mà trở nên ngoan ngoãn hơn.
2.3 Dạy con cảm nhận và hiểu rõ bản thân mình hơn
Cách nuôi dạy con bướng bỉnh này đồng thời cũng giúp phát triển lòng tự trọng cho bé tích cực hơn. Khi một đứa trẻ có những cảm nhận tốt đẹp về bản thân mình, không có nghĩa là bé tự cao, hay kiêu căng. Mà có nghĩa là, bé đang cảm thấy tự tin, có khả năng làm chủ và xứng đáng với những gì đang có. Để dạy con điều tuyệt vời này, đầu tiên, đừng nên lạm dụng những lời khen ngợi. Một Tiến sĩ Tâm lý người Đức nói rằng, hãy khen ngợi bé vì nỗ lực, và sự cố gắng của con, chứ đừng khen vì tài năng của con. Lời khen sẽ tiếp thêm động lực để bé không ngừng cố gắng hơn, hoàn thiện chính mình.
Đồng thời, bố mẹ không nên “dán nhãn” con mình với bất kì biệt danh tiêu cực nào. Ví dụ, “Bi lì lợm”, “Biu ăn chậm”,…Những thông điệp trẻ em nhận được từ cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện lòng tự trọng của trẻ.
Khi trẻ nghe được những lời “dán nhãn tiêu cực”, chúng ảnh hưởng đến giá trị bản thân của trẻ khi trưởng thành. Trẻ dần sẽ tin những điều đó, và cảm thấy tồi tệ, mất tự tin về bản thân mình hơn.
2.4 Dạy con cách tôn trọng những người xung quanh mình
Một đứa trẻ biết tôn trọng người khác sẽ biết lắng nghe và suy xét về những điều người khác nói. Thế nên, hãy dạy con tôn trọng những người xung quanh mình bằng cách:
- Thiết lập các quy tắc trong gia đình, dựa trên cơ sở cùng con và các thành viên khác trong gia đình thảo luận, thống nhất. Đồng thời, thực thi chúng nghiêm túc, đi kèm những hình phạt để mọi người cùng tuân thủ.
- Làm gương mẫu điển hình cho con noi theo.
- Trò chuyện với con thật nhiều, đặc biệt lý giải cho trẻ hiểu cách chúng ta cư xử với nhau trong cuộc sống thường ngày thế nào, cùng các chuẩn mực xã hội ra sao để thực hiện đúng đắn.
2.5 Cách nuôi dạy con bướng bỉnh bằng cách thể hiện tình cảm với con
Chỉ đơn giản là dành cho con những cái ôm ấm áp, nụ hôn chân thành ngay từ khi con còn bé, bố mẹ đã có thể giúp con cảm nhận được tình yêu thương của mình. Nếu con là đứa trẻ ít nói, ít thể hiện tình cảm, hãy chọn thời điểm cẩn trọng nhé bố mẹ! Có thể chọn hôn nhẹ lên trán bé khi đi ngủ, ôm nhanh thể hiện sự quan tâm khi con lo lắng, sợ hãi điều gì đó,…T
rẻ em luôn cần và muốn có sự chăm sóc chu đáo mà bố mẹ dành cho mình, kể cả khi các con không thể nhìn thấy được điều đó bằng mắt – Tiến sĩ Tâm lý học Kindlon chia sẻ.
5 cách nuôi dạy con bướng bỉnh trên đây cũng dễ thực hiện, đúng không nào! Hãy thực hiện chúng từ từ, đều đặn mỗi ngày thành thói quen. Về lâu dài, chúng sẽ trở thành phong cách giáo dục tích cực của cha mẹ. Nhờ đó, bé được tạo đầy đủ điều kiện để rèn luyện kỹ năng ứng xử, cũng như khả năng kiểm soát cảm xúc tiêu cực tốt hơn. Cuối cùng, khi đã xây dựng lòng tự trọng hoàn thiện, nhân cách bé cũng trở nên tốt hơn, đáp lại những mong đợi và hy vọng của bố mẹ.